Chính phủ Mahathir Ketuanan_Melayu

Đãi ngộ ưu đãi và người Hoa kháng nghị

Thủ tướng Mahathir Mohamad.

Các chính sách đãi ngộ ưu đãi của NEP tiếp tục dưới thời Mahathir Mohamad. Các nhà phê bình chính trị nhìn nhận chính phủ này, trong giai đoạn đầu, là một sự tiếp nối "kiểm soát bá chủ" chính trị Malaysia của người Mã Lai, mà cụ thể là Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất.[127] Trong thời gian này, Mahathir Mohamad tập trung vào củng cố quyền lực của bản thân trong Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất và chính phủ.[135] Kết quả là ít có đối đầu tích cực giữa người Mã Lai và phi Mã Lai trong vấn đề ketuanan Melayu vào đương thời.

Năm 1981, Công hội người Hoa Malaysia đánh giá NEP và các chính sách khác của chính phủ theo một quan điểm của người Hoa. Các phát hiện khiến họ lo ngại về một số vấn đề, bao gồm điều được cho là thiếu tôn trọng quyền công dân của người Hoa Malaysia, và dịch vụ công do người Mã Lai chi phối, tuyên bố mục tiêu của NEP về việc tiệt trừ đồng nhất sắc tộc với chức năng kinh tế đã được bài trừ.[136] Thêm vào đó, họ lý luận rằng người phi Mã Lai không được đại diện đầy đủ trong Quốc hội và Nội các do sắp xếp khu vực bầu cử không công bằng; các khu bầu cử Quốc hội nông thôn mà hầu hết là cử tri Mã Lai đông hơn một cách lạ lùng so với các khu vực bầu cử đô thị, mặc dù tổng dân số các khu vực bầu cử đô thị vượt tổng dân số các khu vực bầu cử nông thôn.[137] Tuy nhiên, Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất tránh trực tiếp đối diện với Công hội người Hoa Malaysia xung quanh vấn đề.

Căng thẳng gia tăng sau tổng tuyển cử năm 1986, khi bản thân Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất chiếm đa số tuyệt đối trong Quốc hội, cho phép họ có thể cai trị mà không có sự ủng hộ của các đảng khác. Một số nhà lãnh đạo trong Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất nghiêm túc thảo luận về khả năng một mình cai trị; Abdullah Ahmad công khai tán thành quyền tối cao Mã Lai vĩnh cửu và giáng những người phi Mã Lai xuống công dân hạng hai. Những luận điệu đơn phương chủ nghĩa như vậy cuối cùng bị bỏ qua, và chính phủ Mặt trận Dân tộc được duy trì. Tuy nhiên, một số quan chức Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất cảnh cáo các đảng phi Mã Lai tránh "chơi với lửa" bằng cách đặt vấn đề về quyền lợi đặc thù và đặc quyền của người Mã Lai hoặc Hak Keistimewaan Orang Melayu. Trong đại hội cùng năm của Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất, Mahathir Mohamad nói rằng: "Chúng ta không muốn cướp đi của người khác các quyền lợi của họ. Nhưng cần phải khiến cho không ai cố gắng tước đoạt quyền lợi của chúng ta." Khi Quốc hội được tái triệu tập, Đảng Hành động Dân chủ bắt đầu gia tăng phản đối điều mà họ cho là phân chia người Malaysia thành "các công dân hạng nhất và hạng hai". Đáp lại, một số nghị sĩ Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất bắt đầu ám chỉ người phi Mã Lai là pendatang asing (ngoại kiều) trong Quốc hội. Khi Đảng Hành động Dân chủ nỗ lực nhằm tìm hiểu phân bổ kinh tế bằng đẳng giữa các sắc tộc nhằm đánh giá tiến triển của NEP, quy tắc nghị sự của Quốc hội được sửa đổi nhằm cấm chỉ các chất vấn như vậy. Điều này khiến cho Đảng Hành động Dân chủ cho rằng các mục tiêu của NEP đã đạt được, và rằng nó có thể được cho hết hiệu lực vào năm 1990.[138]

Một số người như nghị viên thành phố Petaling Jaya Dương Dũng Vĩ (杨勇伟) thì cho rằng Abdullah Ahmad, một phụ tá của Mahathir Mohamad, là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ "ketuanan Melayu". Dương Dũng Vĩ mô tả bối cảnh mà Ahmad sử dụng nó là "một phát biểu khá lành tính và hầu hết chúng tôi có thể đã không có vấn đề gì với nó, song một số nhà lãnh đạo của Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất sử dụng nó để nói về quyền tối cao của người Mã Lai cho dù họ không cần biết ý nghĩa xác thực của nó."[139]

Căng thẳng sắc tộc tiếp tục phát triển không lâu sau khi Mahathir Mohamad suýt thất bại trước Tengku Razaleigh Hamzah trong bầu cử chủ tịch Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất vào năm 1987. Khoảng thời gian này, một số hợp tác xã tín dụng (DTCs) sụp đổ, một số có liên hệ với Công hội người Hoa Malaysia. Nhằm cứu giúp các nhà đầu tư người Hoa, Công hội người Hoa Malaysia yêu cầu chính phủ bảo lãnh cho DTCs, trích dẫn một sự cứu trợ tài chính trước đó đối với các thể chế tài chính Bumiputra. Việc Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất không sẵn lòng chấp thuận yêu cầu khiến Phó Chủ tịch Công hội người Hoa Malaysia Lý Kim Sư (李金狮) cảnh cáo rằng Công hội người Hoa Malaysia có thể rời bỏ chính phủ. Trong cùng năm đó, chính phủ bổ nhiệm một vài cán bộ có học thức không phải người Hoa vào các chức vụ cấp cao trong các trường học bản ngữ tiếng Hoa. Bộ trưởng Giáo dục Anwar Ibrahim bác bỏ nhượng bộ trước kháng nghị từ Công hội người Hoa Malaysia, và tuyên bố rằng quyết định này là cuối cùng, bất chấp thỏa thuận phi chính thức trước đó vần vấn đề này giữa các cộng đồng người Mã Lai và người Hoa.[140]

Gerakan, Công hội người Hoa Malaysia và Đảng Hành động Dân chủ tổ chức các cuộc tập hợp và tẩy chay các lớp học trong các trường tiểu học Hoa ngữ nhằm kháng nghị hành động này;[141] Đoàn Thanh niên UMNO tổ chức các cuộc tập hợp riêng để chủ trương ketuanan Melayu, mang các biểu ngữ có ghi các khẩu hiệu như "thu hồi quyền công dân của những kẻ phản đối các quân chủ Mã Lai", "13 tháng 5 đã bắt đầu", và "ngâm nó [keris, một loại dao găm Mã Lai] với máu người Hoa".[142] Thủ lĩnh Đoàn Thanh niên UMNO đương thời là Najib Razak (con của Tun Razak) đe dọa tắm một keris bằng máu người Hoa.[143] Tình hình thêm căng thẳng khi trong một sự kiện không liên quan, một binh sĩ người Mã Lai chạy điên cuồng trong một khu vực có cư dân chủ yếu là người Hoa, sát hại một người và làm bị thương hai người khác.[141]

Chính phủ sau đó phát động Chiến dịch Lalang (nhổ cỏ), giam giữ 55 người theo Đạo luật An ninh nội bộ. Có thêm nhiều người bị bắt giữ trong vài tháng sau đó. Mặc dù hầu hết người bị bắt là các chính trị gia đối lập, bao gồm thủ lĩnh đối lập trong Quốc hội là Lâm Cát Tường (林吉祥), song một vài thành viên từ Mặt trận Dân tộc cũng bị bắt. Toàn bộ các chính trị gia Mặt trận Dân tộc được phóng thích sau hai tháng, trong khi những người từ phe đối lập bị giam giữ lâu hơn. Chính phủ sau đó hợp pháp hóa những vụ câu lưu này với lý do an ninh, nói rằng những người bị câu lưu lợi dụng vấn đề giáo dục Hoa ngữ nhằm kích động tình cảm sắc tộc.[144] Một số người ủng hộ của Mahathir Mohamad nhìn nhận điều này như là một chứng minh cho tính chính đáng việc ông bác bỏ "thỏa hiệp" của Tunku Abdul Rahman với những người phi Mã Lai, giáo huấn người phi Mã Lai không chỉ trích chính phủ và các chính sách thân Mã Lai.[145]

Nhiều người chỉ trích không nhìn nhận sự giải thích này là nghiêm túc. Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất đương thời ở trong khủng hoảng, phe của Mahathir Mohamad suýt thất bại trước phe của Razaleigh trong bầu cử nội bộ. Những người ủng hộ của Razaleigh đệ đơn kiện cáo buộc sai phạm trong quá trình bầu cử với khả năng thành công có vẻ là cao, sẽ kéo theo các cuộc bầu cử mới trong đảng. Trong bối cảnh này, một chính trị gia của Công hội người Hoa Malaysia cáo buộc rằng chính phủ theo đuổi một "nghị trình giấu giếm," làm trệch sự chú ý của công chúng khỏi khủng hoảng của Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất bằng một "sự trệch hướng trong thi hành chính sách giáo dục Hoa ngữ." Bản thân Tunku Abdul Rahman tuyên bố rằng Mahathir Mohamad sử dụng vấn đề này để huy động người Mã Lai "như một lực lượng thống nhất trước một kẻ thù chung — và kẻ thù tưởng tượng trong trường hợp này là cộng đồng người Hoa."[146]

Cuối cùng, phe của Mahathir Mohamad "thắng" trong vụ tố tụng khi có phán quyết rằng do Đảng là một tổ chức bất hợp pháp theo Đạo luật Đoàn thể do một số chi nhánh không được chính thức đăng ký, việc thưa kiện của nguyên đơn là không hợp lệ; một đoàn thể bất hợp pháp không thể tổ chức cuộc bầu cử mới để bầu lãnh đạo của mình. Mahathir Mohamad lập tức thiết lập "UMNO (Baru)" (UMNO Mới), chuyển đổi toàn bộ tài sản của Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất cũ sang đảng mới. Hầu hết những người ủng hộ của ông cũng tham gia Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (Baru), và cuối cùng "(Baru)" bị loại bỏ, khiến đảng này tương tự như Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất cũ trong ý đồ và mục đích. Khi Tòa án Tối cao chấp thuận nghe kháng cáo về vụ án này, chính phủ đình chỉ và sau đó cách chức Chủ tọa Salleh Abas và năm thành viên thẩm phán của Tòa án Tối cao, dẫn đến khủng hoảng hiến pháp Malaysia 1988. Tòa án Tối cao mới sau đó bác bỏ vụ kiện này.[147]

Razaleigh sau đó thành lập Đảng Semangat 46 (Tinh thần 46) nhằm thách thức chính phủ. Trong tổng tuyển cử năm 1990, ketuanan Melayu được sử dụng như một vấn đề, khi Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất cáo buộc Semangat 46, Đảng Hồi giáo Liên Malaysia, Đảng Hành động Dân chủ và các đảng đối lập khác âm mưu kết thúc quyền tối cao của người Mã Lai. Chính phủ cũng liên tục cảnh cáo rằng náo loạn 13 tháng 5 sẽ lặp lại nếu họ không duy trì đa số hai phần ba trong Quốc hội. Các quảng cáo toàn trang mô tả đổ máu và chém giết được phát hành tại các tờ báo lớn của quốc gia. Căng thẳng tăng thêm khi Tunku Abdul Rahman kêu gọi các cử tri ủng hộ Semangat 46 thay vì Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất mới, một số chính trị gia Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất yêu cầu rằng hiệu "Bapa Kemerdekaan" (Cha của Độc lập) của ông cần phải bị thu hồi, và tượng của ông bị loại bỏ khỏi Tòa nhà Quốc hội. Bất chấp điều này, chính phủ duy trì đa số hai phần ba trong Quốc hội, còn Semangat 46 chỉ giành được tám ghế.[148]

Tái xét và cải tạo các chính sách kinh tế

Trước khi mãn hạn NEP vào năm 1990, có nhiều tranh luận về việc có nên phục hồi, thay thế hoặc loại bỏ hoàn toàn chính sách. Chính phủ tổ chức tái xét chính thức NEP trong những năm gần đến khi mãn hạn. NEP đối diện với một số chỉ trích trong suốt thời gian tồn tại của nó, hầu hết liên quan đến tham nhũng chính trị và những sự thiếu khả năng khác.

Một điểm tranh luận là tính toán sự công bằng đối với người Mã Lai. Mặc dù về chính thức, tính đến năm 1992, người Mã Lai kiểm soát 18% kinh tế, song một số người bác bỏ số liệu này vì cho rằng nó sai lầm. Họ lý luận rằng trên thực tế, phần lớn số lượng này gồm vốn sở hữu của các cơ quan chính phủ, do đó thuộc về toàn thể người Malaysia.[149] Việc thi hành các hợp đồng công cộng chủ yếu được trao cho người Bumiputra được lý luận là đã giết chết năng lực của người Mã Lai do tạo cho họ ít động lực để cải tiến. Nhiều nhà thầu người Mã Lai chuyển các hợp đồng phụ trong công việc của họ cho những người khác, và trong một số trường hợp là cho người Hoa; các dàn xếp "Ali Baba" mà theo đó "người Mã Lai [Ali] sử dụng đặc quyền của mình để có được các đăng ký và cấp phép nguyên không dành cho người phi Mã Lai, sau đó nhận một khoản phí trong vai trò môi giới trong khi người phi Mã Lai [Baba] vận hành kinh doanh," là hiện tượng phổ biến. Một số đề xuất rằng NEP "có thể có kết quả, nếu người Mã Lai thực sự muốn nắm vững cách thức làm việc. Song thường là không phải, anh ta chỉ muốn trở nên giàu có."[150]

Một số nói rằng việc giải ngân các cổ phiếu thiên vị theo liên kết chính trị, nhiều người trong số họ lập tức bán cổ phần theo giá thị trường, thu được tiền chênh lệch thay vì nắm giữ và gia tăng tỷ lệ sở hữu của người Mã Lai như điều mà NEP hướng tới. Mặc dù NEP nỗ lực thiết lập một tầng lớp các triệu phú người Mã Lai, song nó bị cáo buộc chủ yếu là nhằm phục vụ thân tín, lợi ích chỉ dành cho các liên kết chính trị.[151] Một số người tán thành, song cũng lập luận phản đối hành động; một chính trị gia từ Đảng Hồi giáo Liên Malaysia nói rằng: "Người Mã Lai không muốn công bằng tác động đến lợi ích của họ."[152] Một số nhà bình luận khác cho rằng gần như hầu hết các lợi ích khi thi hành NEP đổ dồn về liên kết chính trị, chính phủ có ý định để chúng "chảy xuống cho quần chúng Mã Lai", và cũng nhằm tạo ra những phú ông mới nổi người Mã Lai nhằm cung cấp "các mô hình vai trò thầu khoán" cho những người Mã Lai khác.[109]

Trong thập niên 1980, quan tâm tiếp tục phát triển về vấn đề phân biệt đối xử trong các thể chể giáo dục bậc đại học. Đương thời, Bộ trưởng Giáo dục phát biểu trước Quốc hội về "bất mãn" và "thất vọng" trong người phi Mã Lai về việc "giảm cơ hội" đối với giáo dục bậc đại học.[153] Đến năm 1997, Bộ trưởng Giáo dục Najib Tun Razak bảo vệ các hạn ngạch là điều cần thiết, tuyên bố rằng chỉ còn 5% tổng sinh viên địa phương theo học là người Mã Lai nếu các hạn ngạch bị bãi bỏ.[154]

Chỉ trích khác là NEP và các đãi ngộ ưu đãi khác trên thực tế làm giảm lòng tự tin của người Mã Lai, mặc dù ý định của Mahathir Mohamad khi kiến thiết một giai cấp kinh doanh Mã Lai là nhằm trở thành các mô hình mẫu cho những người Mã Lai bần cùng. Một nhà báo người Mã Lai phát biểu: "[Theo Chính sách Kinh tế Mới này, không bao giờ có người Bumiputra nào có thể đảm bảo rằng 'các thành công' như vậy đến với mình là hoàn toàn xứng đáng."[155] NEP cũng bị chỉ trích vì tìm cách cải thiện đóng góp tổng thể của người Mã Lai trong kinh tế, dù rằng một số lượng nhỏ người Mã Lai đã nắm giữ phần đóng góp này.[156] Một số nguồn cáo buộc NEP là quá mạnh tay trong cách thức tiếp cận của họ đối với đãi ngộ ưu đãi, việc duy trì nó đã "tước đi tư cách của người phi Mã Lai trong cơ hội giáo dục bậc đại học và thăng tiến công việc" và buộc nhiều người phi Mã Lai di cư.[157] Điều này kết hợp với các cảm giác rằng NEP tham nhũng và có liên kết với ketuanan Melayu, dẫn đến "oán hận sâu sắc", đặc biệt là trong cộng đồng người Hoa.[158] NEP bị chỉ trích là "đặt những người Malaysia này ở vị thế rất vinh dự khi họ ở trên những người còn lại, cấp cho họ những ưu đãi của NEP," trong khi "phân chia người Malaysia thành các công dân hạng nhất và hạng hai".[159]

Năm 1990, Chính sách Phát triển Quốc gia (NDP) thay thế cho NEP, nó duy trì hầu hết các chính sách thời NEP. Tỷ lệ đóng góp của người Mã Lai trong kinh tế dù lớn hơn đáng kể song chưa đến gần mục tiêu 30% theo số liệu của chính phủ. Khi tái xét NEP, chính phủ thấy rằng mặc dù bất bình đẳng thu nhập đã giảm, song một số mục tiêu quan trọng liên quan đến quyền sở hữu tổng thể của các công ty Mã Lai chưa đạt được. Cả Mahathir Mohamad và Tunku Abdul Rahman bày tỏ lo ngại rằng người Mã Lai vẫn quá phụ thuộc người Hoa về kinh tế.[160][161]

Tuyên bố rằng NEP làm chậm tăng trưởng kinh tế bị bác bỏ; rằng NEP nỗ lực nhằm ngăn ngừa náo loạn sắc tộc thêm nữa, và náo loạn là điều sẽ gây thiệt hại đến tăng trưởng kinh tế hơn là NEP. NEP cũng được biện hộ do tạo ra một tầng lớp trung lưu Mã Lai và nâng cao chất lượng sinh hoạt mà không làm tổn hại đến đóng góp của những người phi Bumiputra trong kinh tế theo số liệu tuyệt đối; thống kê biểu thị rằng tầng lớp trung lưu người Hoa và người Ấn cũng tăng trưởng khi thi hành NEP, dù không nhiều như người Mã Lai. Về tổng thể, tỷ lệ nghèo của người Malaysia giảm từ 50% khi độc lập xuống 7%. Cũng có lập luận rằng các định kiến dân tộc phần lớn bị dập tắt do thành công của NEP trong việc thiết lập một tầng lớp thượng lưu người Mã Lai. Mặc dù nhiều mục tiêu của NEP được NDP tái khởi động, song chính sách mới có vẻ phục vụ mục đích hướng nhiều hơn đến duy trì thịnh vượng và sáng tạo, trái ngược với tái phân phối giản đơn.[109][162][163] Tuy thế, nhiều chính sách từ thời kỳ NEP được giữ lại theo NDP, NDP mãn hạn vào năm 2020.[164]

Bangsa Malaysia và tự do hóa chính trị

Trong thập niên 1990, Mahathir Mohamad và Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất công khai đổi thái độ trong các chính sách văn hóa của chính phủ, với việc hình thành các kế hoạch Wawasan 2020 (Viễn cảnh 2020) và Bangsa Malaysia (Dân tộc Malaysia). Mahathir nói rõ một trở ngại trong việc đưa Malaysia thành một quốc gia phát triển vào năm 2020 là: "thác thức trong việc thiết lập một xã hội thành thục, tự do và khoan dung mà trong đó người Malaysia thuộc mọi màu da và tín ngưỡng được tự do thi hành và bày tỏ các phong tục, văn hóa và đức tin tôn giáo nhưng cảm nhận rằng họ thuộc về một quốc gia." Mahathir đề xuất thiết lập "một Bangsa Malaysia với lòng trung thành chính trị và cống hiến cho quốc gia". Sau chiến thắng trong tổng tuyển cử năm 1995, Mahathir nói chi tiết hơn: "Bangsa Malaysia nghĩa là những người có thể đồng cảm bản thân với quốc gia, nói Bahasa Malaysia (tiếng Malaysia hoặc tiếng Mã Lai) và chấp thuận Hiến pháp."[165]

Mahathir Mohamad sau đó giải thích rằng "Ý tưởng trước đây là mọị người cần phải trở thành người Mã Lai 100% để trở thành người Malaysia. Chúng ta nay chấp thuận rằng đây là một quốc gia đa sắc tộc. Chúng ta cần xây những cây cầu thay vì cố loại bỏ hoàn toàn các chướng ngại chia tách chúng ta." Một sự thay đổi đáng kể như vậy được các cộng đồng phi Mã Lai hiểu là một "rút lại toàn bộ" các chính sách trước đó nhấn mạnh đồng hóa người phi Mã Lai. Chính phủ tiến hành các biện pháp nhằm nhấn mạnh thay đổi này, giảm sự nhấn mạnh về việc tiếng Mã Lai là ngôn ngữ chính thức duy nhất bằng việc cho phép các đại học địa phương sử dụng tiếng Anh làm phương tiện giảng dạy trong các môn học nhất định. Các chứng chỉ của Học viện Tunku Abdul Rahman do Công hội người Hoa Malaysia tài trợ và người Hoa chiếm đa số được chính phủ chính thức công nhận đối với công việc trong dịch vụ công.[166] Lần đầu tiên các tôn giáo ngoài Hồi giáo được phát trên đài phát thanh và truyền hình quốc doanh, song không được phép khuyên thính giả nhập đạo.[167] Múa sư tử truyền thống của người Hoa từng bị cấm trong nhiều thập niên, nay không chỉ được phép trình diễn mà thậm chí Mahathir Mohamad và các quan chức chính phủ cấp cao khác cũng tham dự.[168]

Mặc dù kinh tế Malaysia tăng trưởng đáng kể vào đầu thập niên 1990, song các nhà bình luận cho rằng các chính sách tự do của Mahathir Mohamad đã đóng một vị thế quan trọng trong tính đại chúng của ông và đại thắng của Mặt trận Dân tộc trong tổng tuyển cử năm 1995. Một nhà bình luận viết rằng "Hầu hết người Malaysia có thể không nhớ tới một thời gian thịnh vượng hơn hay ít phản kháng liên sắc tộc hơn. ... Chỉ riêng các chỉ số kinh tế sẽ không thu được sự hãnh diện mà người Malaysia đã nhận thấy, có lẽ là lần đầu tiên, trong thân phận người Malaysia."[169]

Lâm Cát Tường quy thất bại của phe đối lập cho chủ nghĩa tự do của Mahathir Mohamad và việc chính phủ chấp thuận lập trường của Đảng Hành động Dân chủ về các vấn đề như "ngôn ngữ, văn hóa và giáo dục". Tuy nhiên, một số người nghi ngờ về sự chân thành của Mahathir Mohamad. Một quan chức Đoàn Thanh niên UMNO cho rằng "hành động linh hoạt của chính phủ Barisan ... chỉ thể hiện rằng chúng ta đang hưởng thụ trình độ tối cao của tính khoan dung, nó thuần túy dựa trên mức độ tin tưởng liên quan đến vị thế chính trị và kinh tế của người Mã Lai. Chúng ta phân hưởng quyền lực chính trị với người Hoa. Nay họ cần tăng cường sự ủng hộ chính trị của bản thân từ cộng đồng của họ, phục vụ các quan tâm chính của người Hoa là điều hết sức quan trọng đối với họ. Do vậy, sao chúng ta không cho phép điều đó? Chúng ta có thể ... đạt được tình thế cùng thắng. Điều này thuần túy là động thái chính trị. ... Tương tự như Đoàn Thanh niên UMNO chúng ta thường được nhận định là một đoàn thể chính trị rất chủng tộc chủ nghĩa đấu tranh cho các lợi ích của người Mã Lai. ... Tuy nhiên, những nghị trình mà chúng ta đã hoàn thành, như Hồi giáo, Bahasa Melayu [tiếng Mã Lai] và địa vị đặc thù của người Mã Lai, không nên bị nghi ngờ trong bất kỳ hoàn cảnh nào do đây là những vấn đề hết sức nhạy cảm."[170]

Phần cuối của thập niên 1990, các chính sách của chính phủ được nới lỏng nhằm chiến đấu với Khủng hoảng tài chính châu Á bằng cách khuyến khích đầu tư nước ngoài. Năm 1999, một đảng đối lập mới được thành lập mang tên Đảng Công chính Nhân dân (PKR) với sự ủng hộ bởi cựu phó thủ tướng của Mahathir Mohamad là Anwar Ibrahim dẫn đến một sự hồi sinh các cảnh cáo "13 tháng 5". Tuy nhiên, chính phủ duy trì thế đa số trong Quốc hội.[171] Năm 2003, Mahathir Mohamad chính thức từ chức thủ tướng, người kế nhiệm là Abdullah Ahmad Badawi.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ketuanan_Melayu http://www.aliran.com/high9902.html http://www.aliran.com/monthly/2005b/7d.html http://atimes.com/atimes/Southeast_Asia/FJ02Ae05.h... http://www.bernama.com/bernama/v3/news.php?id=1504... http://www.bernama.com/bernama/v3/printable.php?id... http://www.jeffooi.com/2006/10/equity_share_is_rac... http://www.jeffooi.com/archives/2005/08/the_nst_sh... http://www.jeffooi.com/archives/2005/08/we_are_16_... http://www.jeffooi.com/archives/2005/11/i_went_int... http://www.limkitsiang.com/archive/2000/dec00/lks0...